DỊCH VỤ CHÍNH
CẬP NHẬT THỊ TRƯỜNG
   TIN TỨC

“Dịch giả không thể cẩu thả”
10 Tháng Mười Hai 2015 :: 11:05 SA :: 1938 Views :: 0 Comments

“Nhiều dịch giả nhận thù lao ít để hạ giá thành sách xuống. Nếu không làm như vậy thì người đọc sẽ khó có thể tiếp cận với tác phẩm”, đó là chia sẻ của dịch giả Nguyễn Xuân Hồng trong bối cảnh các dịch giả đang “chạy đua” để đưa những tác phẩm ăn khách đến độc giả.    
Người đọc ít khi “nhớ” dịch giả
- PV: Đã từng “đỡ đầu” nhiều cuốn sách nổi tiếng và đặc biệt là những tác phẩm của Dan Brown như “Biểu tượng thất truyền”,“Hỏa ngục”… -   những cuốn sách dày về hàm lượng thông tin. Đâu là thách thức mà anh cũng như các dịch giả thường gặp phải trong quá trình chuyển ngữ các tác phẩm nước ngoài? 
- Dịch giả Nguyễn Xuân Hồng: Việc xử lý bất kỳ tác phẩm nào dù là ngôn ngữ gì, sang tiếng Việt (hoặc ngược lại) đều gặp những khó khăn do khác nhau về ngôn ngữ, văn hóa. Chẳng hạn cách chơi chữ trong tiếng Việt khác với cách chơi chữ trong tiếng Anh. Trong “Hỏa ngục” có một chỗ tác giả dùng từ “ash” nghĩa là “tro than” nhưng lại đồng âm với “tiếng hắt hơi”. Xử lý tất cả những chỗ này đều không hề dễ dàng, có chỗ dịch giả không có cách nào khác là phải chú thích rõ để độc giả biết. Để dịch một cuốn sách với độ dày như “Biểu tượng thất truyền” hay “Hỏa ngục” thì nhanh cũng phải mất 3-4 tháng. Ngoài ra việc dịch các thuật ngữ khoa học, kỹ thuật, tôn giáo, văn hóa… cũng không hề đơn giản. Một số khó khăn khác nữa có thể là áp lực, trách nhiệm phải dịch cho được tác phẩm “hot” của các tác giả tên tuổi. 
- Khi nói về thành công của một cuốn sách, độc giả thường chỉ nhớ đến tác giả chứ ít khi nhớ đến dịch giả. Phải chăng đây cũng là “nỗi niềm” của những nhà dịch thuật? 
- Thực tế, trong quá trình chuyển dịch, những dịch giả giỏi vẫn có rất nhiều cơ hội sáng tạo, sáng tác, chẳng hạn nghĩ ra những từ ngữ, thuật ngữ, cách diễn đạt mới. Trong lịch sử văn học, có không ít tác phẩm dịch thành công và được người đời lưu truyền nhiều hơn tác phẩm gốc. Chẳng hạn “Truyện Kiều” được nhớ và phổ biến hơn “Đoạn trường tân thanh” hay bản dịch Nôm “Chinh phụ ngâm khúc” của Đoàn Thị Điểm được nhớ nhiều hơn bản Hán văn của Đặng Trần Côn. Nhưng đúng là đa phần độc giả nhớ đến tác giả và tác phẩm chứ ít nhớ đến dịch giả. Tôi nghĩ rằng điều đó cũng không có gì là quá bởi tôi luôn nghĩ rằng, dịch giả chỉ làm vai trò “cầu nối”, trung gian để chuyển tải tinh thần, nội dung của tác phẩm gốc sang một ngôn ngữ mới, chứ không phải sáng tạo ra một tác phẩm mới. Trong thực tế, những dịch giả giỏi, làm việc có trách nhiệm thì vẫn luôn được độc giả ghi nhớ, như dịch giả bộ Harry Porter.
“Thảm họa dịch thuật” không đến từ dịch giả uy tín
- Anh đã nhắc đến trách nhiệm của dịch giả phải dịch bằng được những tác phẩm “hot” của các tác giả tên tuổi. Phải chăng đang có một sự thúc ép từ phía thị trường và người dịch cũng đang bị cuốn vào cái mà độc giả muốn, độc giả cần chứ chưa hẳn vì đam mê, hay tâm huyết. Anh nghĩ sao?
- Với cá nhân tôi thì không chạy theo thị hiếu. Việc chọn lựa tác phẩm dịch phụ thuộc nhiều vào đối tác. Tôi không câu nệ vào tác phẩm, miễn là đáp ứng về mặt thời gian và yêu cầu của đối tác. Còn việc dịch giả dịch vì điều gì, thì khi đọc một tác phẩm dịch, khó có thể nói tác phẩm đó có được dịch bằng đam mê, tâm huyết hay chỉ do trách nhiệm, sự thúc ép. Nhưng nếu thật sự có sự phân biệt đó thì tôi cho rằng đó cũng là điều bình thường. Điều quan trọng là dịch giả vẫn cho ra đời tác phẩm dịch với chất lượng tốt để phục vụ độc giả. 
- Người ta đang nhắc đến nhiều cái gọi là “thảm họa dịch thuật” và đặt dấu hỏi về chuyên môn và năng lực của các dịch giả. Anh đánh giá thế nào về hiện tượng này?
- Tôi tin rằng hầu hết các dịch giả đều không thể cẩu thả trong việc dịch, vì tác phẩm dịch gắn với tên tuổi của họ. Nếu có cái gọi là “thảm họa dịch thuật”, thì đó không phải là tác phẩm của dịch giả uy tín, vì họ sẽ không bị thúc ép về thời gian mà thiếu cẩn trọng với từ ngữ của mình. Trừ khi người đứng tên dịch lại không phải người dịch cuốn sách đó, mà lại “thuê” những người ít kinh nghiệm hơn. Điều này dẫn đến những sai sót không đáng có. 
- Để chuyên nghiệp hóa và nâng cao hơn nữa chất lượng các bản dịch, theo anh cần có những gì?
- Nghề nào cũng vậy, nếu không thường xuyên trau dồi thì người làm nghề sẽ chóng cùn và khó lòng theo nghề một cách lâu dài. Dịch thuật là nghề đòi hỏi kiến thức tổng hợp, đủ các lĩnh vực cho nên dịch giả rất cần chủ động tích lũy kiến thức để có thể xử lý bất kỳ tác phẩm nào. Ngoài ra, khi xử lý một tác phẩm cụ thể, dịch giả cần làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, chịu khó tìm tòi, tra cứu để nắm bắt đầy đủ nhất tinh thần, nội dung của tác phẩm gốc và chuyển dịch. Tôi nghĩ rằng, làm được như vậy thì độc giả sẽ luôn luôn đón nhận được những tác phẩm dịch có chất lượng. 
 
Comments
Hiện tại không có lời bình nào!
  Đăng lời bình

Trong phần này bạn có thể đăng lời bình





Gửi lời bình   Huỷ Bỏ

CÔNG TY CỔ PHẦN DỊCH THUẬT CHUYÊN NGHIỆP - QUỐC TẾ LONDON
Văn phòng giao dịch: Tòa nhà N02-T3 , Quang Minh Tower, Khu Ngoại Giao Đoàn, Đường Đỗ Nhuận, Bắc Từ Liêm, HN.
Điện thoại: 024.3622 8717 / 0979.521.738
Hotline: 0987854919 - 0986087286
Email: dichthuatlondon@gmail.com  Web : www.dichthuatlondon.com.vn


29 Tháng Ba 2024    Đăng Ký   Đăng Nhập 
Copyright by www.dichthuatlondon.com.vn | Thỏa Thuận Dịch Vụ | Bảo Vệ Thông Tin